Lượt xem: 250

Long Phú chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển nông nghiệp

Hạn hán, xâm nhập mặn đã và đang gây ra nhiều thiệt hại tại các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu long, khiến cuộc sống của nhiều hộ nông dân lâm vào cảnh túng quẫn vì mất mùa. Tại huyện Long Phú, đỉnh hạn, mặn rơi vào thời điểm hàng ngàn ha lúa Đông Xuân muộn bước vào giai đoạn trổ bông và hàng ngàn ha diện tích cây ăn trái bước vào thời kỳ đơm hoa, kết trái. Thế nhưng, nhờ chủ động thích ứng và sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, các địa phương, nên nông dân chẳng có điều gì đáng lo ngại.

Hệ thống thủy lợi cơ bản hoàn chỉnh. Ảnh Sóc Ca


    Để chủ động ứng phó với tình hình hạn, mặn năm 2020, huyện Long Phú đã xây dựng các kịch bản ứng phó theo từng diễn biến cụ thể của thời tiết. Đó là khuyến cáo người dân tuyệt đối không sản xuất lúa vụ 3; định hướng chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, cơ cấu lại mùa vụ… Từ đó, giúp cho các xã, thị trấn trong huyện chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó với hạn mặn. Bên cạnh đó, huyện đã đầu tư đồng bộ, kiên cố hệ thống thủy lợi, thủy nông nội đồng để giúp cho khâu tiêu thoát nước được thuận tiện, thông suốt.

    Ông Trần Sang - ngụ tại ấp Bưng Long, xã Long Phú, huyện Long Phú chia sẻ: “Năm nay, nắng hạn gay gắt, nhưng nhờ Nhà nước đầu tư hệ thống thủy lợi, khơi thông, nạo vét kênh mương thường xuyên, nên vẫn đủ nước cho cây lúa. Nhờ vậy năng suất lúa đạt khá cao, bà con vui mừng phấn khởi”. Dịp sau Tết Nguyên đán 2020, trong chuyến khảo sát thực tế để kiểm tra công tác phòng, chống hạn, mặn ở thị trấn Long Phú và xã Long Đức, lãnh đạo Huyện ủy Long Phú đánh giá cao những nỗ lực mà xã, thị trấn triển khai thực hiện trong việc chủ động ứng phó với hạn, mặn thời gian qua; đồng thời chỉ đạo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với các cơ quan chức năng làm tốt công tác dự báo nhằm chuẩn bị các điều kiện ứng phó với thời tiết bất thường; tổ chức chuyển đổi mùa vụ một cách khoa học, linh động, sát với tình hình thực tế; có thể gieo trồng sớm hơn so với canh tác truyền thống để tránh hạn, mặn; nghiên cứu, áp dụng các loại giống cây trồng mới có khả năng chịu hạn tốt. Đặc biệt là khu vực chuyển đổi của huyện cần nghiên cứu và nhân rộng canh tác loại giống lúa ST, nhất là ST-24, ST-25 (2 giống lúa đã có thương hiệu). Việc mở rộng diện tích canh tác các loại giống lúa này vừa giúp nông dân tăng thêm thu nhập, vừa tạo nguồn nguyên liệu để tiêu thụ nội địa và xuất khẩu ra nước ngoài.
    
    Thời gian qua, trên nhiều diễn đàn, hội thảo, các nhà khoa học liên tục đưa ra các khuyến cáo đối với các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long về những tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình hình hạn, mặn, sạt lở, triều cường… Qua đó, đề ra nhiều giải pháp để chuyển đổi cũng như thích ứng với tình hình thực tế. Đối với huyện Long Phú, nhiều giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu đã được nông dân triển khai và bước đầu cho thấy hoàn toàn phù hợp với sự thay đổi tự nhiên, các biến đổi của thời tiết giúp cải thiện sinh kế, tăng thu hoạch và giảm thiểu rủi ro. Đơn cử là chuyển đổi các mô hình độc canh cây lúa sang các hình thức canh tác bền vững hơn trên nền lúa như: Lúa  - cá, lúa - sen, lúa - bồn bồn, đưa màu xuống ruộng… Đồng thời liên kết với các công ty, doanh nghiệp để chế biến, giúp tăng giá trị các mặt hàng nông sản. Đây là các mô hình thuận lợi theo hướng bảo vệ môi trường, duy trì hệ sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu theo tinh thần Nghị quyết 120/NQ-CP, ngày 17 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hệ thống tưới tiết kiệm nước cho cây trồng mùa hạn mặn. Ảnh Sóc Ca

    Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cũng đã định hướng sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị bền vững, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân, phương thức này đảm bảo cho các bên tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm với nhau, điều tiết cung - cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tập trung xây dựng vùng sản xuất nông sản an toàn, ứng dụng quy trình sản xuất tốt và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, để tạo ra sản phẩm sạch. Liên kết chặt chẽ giữa nhà quản lý, nhà khoa học, nông dân, doanh nghiệp và hợp tác xã… để sản xuất nông nghiệp hiện đại, an toàn theo chuỗi giá trị, từ đó tăng năng xuất lao động, nâng cao thu nhập cho nông dân.

    Đồng chí Lý Minh Nghĩa - Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Khánh, huyện Long Phú cho biết: “Thời gian qua, nhiều công ty, doanh nghiệp đã liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm và hướng dẫn, hỗ trợ nông dân về kỹ thuật canh tác lúa. Nhờ vậy, bà con yên tâm sản xuất và không còn lo đầu ra cho sản phẩm. Đây thật sự là niềm vui của nông dân”.

    Biến đổi khí hậu đang tác động mạnh đến đời sống, sinh kế của người dân, trong đó lĩnh vực nông nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Do vậy, để phát triển bền vững thì cần có sự đổi mới trong tư duy và nhận thức của mỗi người dân. Như vậy, chúng ta mới chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu một cách thuận lợi nhất.
Sóc Ca


Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 59
  • Hôm nay: 7982
  • Trong tuần: 78,689
  • Tất cả: 11,802,009